ĐIỀU TRỊ HẬU COVID-19

TẠI KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN, BỆNH VIỆN 30-4

 

Thế giới loài người đã và đang tiếp tục đối mặt với những hậu quả của đại dịch Covid-19. Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế - xã hội là gánh nặng bệnh tật và số ca tử vong tăng theo thời gian, đại dịch còn là tác nhân nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần con người, đặc biệt là các triệu chứng hậu Covid-19.

Các trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh, hầu hết đều rơi vào tình trạng mệt mỏi kéo dài có thể từ vài ngày, vài tuần, thậm chí tới nhiều tháng. Rối loạn lo âu, lo lắng quá mức thường xuất phát từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Do bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, bị cách ly, thường xuyên phải làm xét nghiệm, bị ám ảnh do bản thân bị nhiễm hoặc người nhà bị nhiễm Covid-19, bị nhập viện, bị sự kỳ thị của những người xung quanh, bị nhiễu loạn thông tin… Khi bệnh tiến triển nặng sẽ khó kiểm soát và giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí dẫn tới trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

Việc ăn uống thất thường, thay đổi vị giác, khứu giác hoặc rối loạn giấc ngủ, thường gặp nhất là tăng cân, cảm giác nặng nề, mệt mỏi dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, chuyển hóa, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần.

Ngoài các triệu chứng trên, nhiều người còn có thể gặp các triệu chứng khác như: Khó thở, tức ngực, ho khan, đau cơ xương khớp, khó tập trung, hay quên, suy giảm trí nhớ nặng có thể sa sút trí tuệ, tê bì tay chân, tiêu chảy, chóng mặt, phát ban, nổi hạch, thay đổi tính cách, thay đổi khứu giác, vị giác, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rụng tóc…

Tất cả những điều này đang ngầm nhắc nhở chúng ta, ngoài việc tập trung nguồn lực vào việc ngăn chặn sự bùng phát, lây lan và chữa trị người bệnh, cần quan tâm nhiều hơn đến giải pháp khắc phục những hệ lụy đối với sức khỏe, tinh thần của con người.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân hậu Covid-19, Đảng ủy – Ban Giám đốc Bệnh viện 30-4 đã kịp thời phân công khoa Y học cổ truyền thành lập Phòng khám hậu Covid-19 về điều trị phối kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa những tổn thương về mặt tinh thần, sức khỏe đối với người bệnh.

Quy trình khám và điều trị tại Phòng khám hậu Covid-19 tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 30-4 như thế nào?

Bệnh nhân được đăng ký khám tại Phòng khám với tiêu chuẩn: Từng là F0 đã có kết quả test nhanh (hoặc PCR) âm tính, có các triệu chứng hậu Covid-19: Hụt hơi, khó thở, ho, mất ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ, đau mỏi cơ, tê bì tay chân, tiêu chảy, chóng mặt, phát ban, nổi hạch, thay đổi tính cách, thay đổi khứu giác, vị giác, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rụng tóc…

Tại Phòng khám hậu Covid-19, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị theo hình thức kết hợp giữa Y học cổ truyền, Y học hiện đại và Phục hồi chức năng.

Trường hợp bệnh nhân nhẹ và trung bình: Bệnh nhân được điều trị ngoại trú tại khoa Y học cổ truyền bằng nhiều phương pháp.

Trường hợp bệnh nhân cần nhập viện, hoặc bệnh nhân nặng, Bác sĩ nội khoa sẽ chỉ định nhập nội trú tại khoa, phòng phù hợp, phối hợp với Y học cổ truyền và phục hồi chức năng.

Các phương pháp điều trị được triển khai

  • Thuốc Y học cổ truyền (thuốc sắc, thuốc thành phẩm, thuốc xông, thuốc chườm).
  • Tập thở, các bài tập phục hồi chức năng hô hấp, khí công, dưỡng sinh.
  • Điện châm.
  • Nhĩ châm.
  • Chườm ngải.
  • Xoa bóp, bấm huyệt.
  • Cây chỉ.
  • Thủy châm.
  • Kết hợp vật lý trị liệu: Hồng ngoại, sóng ngắn, từ trường, điện xung…
  • Các thuốc Tây thiết yếu trong điều trị: Kháng sinh, kháng viêm, giảm ho, long đờm, giãn phế quản...

Cần nhận thức rằng công tác phòng chống  đại  dịch  này  chưa  có tiền lệ, nhất là khi nhiều người dân rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi... Do đó, việc chuẩn bị tâm lý để có thể đương đầu với đại dịch có ý nghĩa vô cùng to lớn. Sự kỳ thị xã hội và cú sốc tâm lý trong và sau các đợt dịch bùng phát có thể dẫn đến những căng thẳng và bất ổn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần, điều trị các di chứng và những tổn thương tâm lý hậu Covid-19, cần duy trì sức khỏe, tinh thần lành mạnh nhằm tạo tâm lý tích cực vượt qua thách thức, chiến thắng đại dịch./.