Ngày 26/03/2024, bệnh nhân P.H.A 64 tuổi (cán bộ hưu công an quận 5, TP.HCM) nhập khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) Bệnh viện 30-4 trong tình trạng đau ngực dữ dội, tới khoa HSCC thì  bệnh nhân gần như không còn biết gì. Tại khoa HSCC, bệnh nhân được ghi nhận trong tình trạng nguy kịch với các dấu hiệu sinh tồn cơ bản giảm nặng (mạch: 42 lần/phút; huyết áp: 70/40 mmHg; SpO2: 80%), điện tim tại giường ghi nhận: ST chênh lên tại các chuyển đạo thành dưới kèm block dẫn truyền nhĩ thất hoàn toàn

và phải dùng thuốc vận mạch để nâng/duy trì mạch, huyết áp. Qua đánh giá nhanh, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành dưới, biến chứng sốc tim và block dẫn truyền nhĩ thất hoàn toàn, với tiên lượng tử vong rất cao nếu không được sớm tái tưới máu động mạch vành bằng phương pháp can thiệp mạch vành qua da.

Trước tình huống nguy hiểm này của bệnh nhân, báo động đỏ của bệnh viện được kích hoạt, Ban Giám Đốc nhanh chóng chỉ đạo và sự phối hợp rất nhanh của các bác sĩ HSCC và ekip Tim mạch Can thiệp khoa Nội Tim mạch đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng DSA để chuẩn bị tiến hành thủ thuật. Bệnh nhân được chụp mạch vành qua da và ghi nhận: hẹp 70-80% 2 nhánh động vành trái (LAD II và LCx), tắc hoàn toàn đoạn gần động mạch vành phải (động mạch thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim cấp,

 Nhờ vào kinh nghiệm, trình độ của ekip Tim mạch Can thiệp và những tính năng rất vượt trội của Hệ thống DSA mới được trang bị (Innova IGS 6 Biplane), bệnh nhân được chụp mạch vành và đặt stent tái thông dòng chảy mạch máu ở động mạch vành phải  (Hình 2B) trong vòng chưa tới 1 tiếng. Ngay sau can thiệp đặt stent động mạch vành thủ phạm, bệnh nhân bớt đau ngực rất nhiều và một ngày sau đó, bệnh nhân đã được ngưng hết các thuốc vận mạch với tình trạng lâm sàng ổn định như trước khi bị nhồi máu cơ tim.

Lịch Sử Và Đặc Điểm Các Hệ Thống Máy DSA Được Sử Dụng Trong Tim Mạch Tại Bệnh Viện 30-4, Bộ Công An Đến Thời Điểm Hiện Tại:

Năm 2012,  Bệnh viện 30-4 đã được Bộ Công an trang bị cho một Hệ thống DSA 2 bình diện (Artis Zee Biplane, hãng Siemens, Đức)

Và với hệ thống máy DSA này, trong gần 12 năm qua (2012-2024), Bệnh viện đã triển khai được rất nhiều kỹ thuật tim mạch kỹ thuật cao như can thiệp đặt stent mạch vành (chương trình và cấp cứu, can thiệp đủ các dạng sang thương mạch vành phức tạp như sang thương thân chung mạch vành trái, sang thương chia đôi, sang thương vôi hoá nặng,..), siêu âm trong lòng mạch vành (IVUS), khảo sát sinh lý lòng mạch vành (FFR/iFR), đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn theo kỹ thuật kinh điển và theo đường dẫn truyền sinh lý bó His, đặt máy phá rung (ICD), cấy máy tái đồng bộ (CRT) trong điều trị suy tim nặng,…

Gần đây, trước những tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ tim mạch trên thế giới hiện nay, Bệnh viện 30-4 lại được Bộ Công an trang bị cho một hệ thống DSA mới: INNOVA IGS 6 BIPLANE


- Hệ thống DSA mới nhất hiện nay của thương hiệu GE HealthCare, Hoa Kỳ. Hệ thống DSA mới này có rất nhiều tính năng nổi bật, giúp hỗ trợ tối đa cho can thiệp tim mạch, can thiệp bệnh tim cấu trúc (thay van tim qua ống thông mà không cần phải phẫu thuật tim hở truyền thống), can thiệp mạch máu não, can thiệp mạch máu ngoại biên,…. Một vài đặc tính nổi bật cơ bản trong can thiệp mạch vành của Hệ thống Innova IGS 6 Biplane như:

+ Máy 2 bình diện (đồng thời ghi hình mạch máu ở 2 góc chiếu khác nhau trong cùng 1 lần chụp, thay vì 2 lần chụp nếu sử dụng hệ thống máy 1 bình diện): giúp hạn chế tổng số lần chụp mạch mà vẫn đảm bảo các hình ảnh cần thiết, từ đó giúp giảm đáng kể tổng lượng thuốc cản quang (thuốc có tác dụng không tốt lên thận). Đặc điểm này rất có giá trị trên những bệnh nhân suy thận hoặc nguy cơ suy thận mà cần phải tiến hành thủ thuật Chụp/can thiệp mạch vành.

+ Innova IGS 6 tự điều chỉnh liều tia X (phóng xạ) một cách tối thiểu nhất, phù hợp nhất tuỳ theo thể trạng người bệnh (mập, gầy), tuỳ theo góc chiếu (góc chiếu gần thì phát ít tia X, góc chiếu xa thì nhiều tia X) mà vẫn đảm bảo cho hình ảnh rõ nét. Đặc điểm này giúp hạn chế tối đa liều tia X cho cả người bệnh và nhân viên y tế.

+ Các chức năng StentViz, StentVesselViz,…giúp cho thủ thuật viên xác định vị trí đặt stent trong mạch máu chính xác hơn, xác định stent nở tốt hay không, vị trí stent cần nong lại chính xác hơn (nhất là tại 2 đầu của stent tiếp xúc với mạch máu, dễ bị bóc tách mạch máu khi nong,…). Nhìn chung, tất cả nhưng đặc tính này giúp cho việc can thiệp đặt stent mạch vành cho bệnh nhân an toàn hơn và hiệu quả hơn.

(ứng dụng kỹ thuật Stentviz trong can thiệp mạch vành phức tạp tại lỗ xuất phát nhánh LCx cho bệnh nhân D.V.H <55 tuổi, bộ đội hưu trí> vào ngày 28/03/2024).

Bên cạnh đó, hệ thống IVUS, FFR sẵn có của bệnh viện cũng giúp tăng đáng kể an toàn và tối đa hiệu quả của thủ thuật tim mạch can thiệp cho người bệnh.