Có mặt tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/8/2021 cho tới khi kết thúc chuyến công tác chi viện đợt 1 cho miền Nam vào 15/10/2021, những y, bác sĩ (BS) Bệnh viện dã chiến (BVDC) Phước Lộc-Nhà Bè (Bộ Công an) đã có 55 ngày đêm, sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến cam go đẩy lùi đại dịch COVID-19. Họ đã phải chạy đua với thời gian, giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân vượt qua “lằn ranh sinh tử”. Với họ, những tháng ngày làm việc tại đây sẽ không thể nào quên!

“Lằn ranh sinh tử”- Cuộc chiến trong phòng hồi sức tích cực

Tính tới đầu tháng 10/2021, khi mà bên ngoài người dân TP Hồ Chí Minh đang dần trở lại cuộc sống thích nghi trong “tình hình mới”, thì tại Phòng Hồi sức cấp cứu tích cực (ICU) của BVDC Phước Lộc Bộ Công an (số 17, đường Phạm Hùng, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) mọi việc vẫn diễn ra như mọi ngày. Các y, BS vẫn luôn tay làm việc trong một áp lực khốc liệt chưa từng có

Trưa 5/10, ê kíp trực của BS Phạm Nguyên Hoàng (BV 19-8, Trưởng khối điều trị của BVDC Phước Lộc) vừa cấp cứu cho một nam bệnh nhân COVID-19 bị tràn khí màng phổi. Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp, ngoài ra còn mắc nhiều bệnh lý nền. Cùng với BS Lê Văn Thực (của BV 19-8), chuyên phẫu thuật lồng ngực, họ đã cùng nhau thực hiện mở màng phổi cho bệnh nhân ngay tại giường, giúp bệnh nhân thoát cơn chèn ép phổi. Một ca trực quá “căng”, gần 10 người gồm các BS và điều dưỡng (ĐD) vừa mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi cho bệnh nhân trên, vừa cấp cứu đặt ống nội khí quản thở máy cho 3 bệnh nhân và cấp cứu ngừng tuần hoàn cho một bệnh nhân khác nữa. Trong khi đó vẫn phải theo dõi cho 45 bệnh nhân khác, có 5/45 bệnh nhân đang thở máy, 15  bệnh nhân thở HFNC, 15 bệnh nhân thở mask và thở o xy. Trong bối cảnh ấy, họ chỉ nhìn nhau qua ánh mắt mà hiểu ý, phối hợp để duy trì được các con số sinh tồn cho bệnh nhân.

Trang 11: Cuộc chiến dành sự sống trong Bệnh viện dã chiến Phước Lộc -0

Sau kíp trực, mọi người chỉ còn nhìn nhau mà không nói được gì. Nhưng, đọng lại trong mắt của mỗi người là sự an ủi, mình đã làm hết khả năng cho bệnh nhân! Họ nhanh chóng xua đi cảm giác mệt mỏi mà ngay lập tức “xốc” lại tinh thần để còn lo cho những bệnh nhân khác. Lại tới với từng giường bệnh, giúp bệnh nhân tập thở, động viên bệnh nhân hợp tác để chiến thắng bệnh tật.

“Trong khu ICU, chúng tôi làm việc dường như không còn biết tới ngày tháng, không còn khái niệm thời gian!... Nhưng cứ mỗi bệnh nhân vượt qua được bàn tay tử thần, chúng tôi lại loé lên tia sáng lạc quan, lại có thêm ý chí để tiếp tục gồng mình cho công việc.”-BS Hoàng bộc bạch.

Th.S.BS Tiền Thanh Liêm- Phó Giám đốc BV 30-4, kiêm Giám đốc BVDC Phước Lộc chia sẻ: “Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công an điều động 124 nhân viên y tế từ 4 BV của Bộ: BV 30-4, BV 19-8, BV 199, BV Y học cổ truyền và 65 cán bộ của Cục Hậu cần tới BVDC này. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trong 7 ngày “thần tốc”, BVDC Phước Lộc đã đi vào hoạt động và chỉ hơn 1 tháng đã điều trị được gần 300 bệnh nhân, trong đó có nhiều CBCS Công an khỏi bệnh được xuất viện. Có trên 60 bệnh nhân nặng cần thở máy, thở HFNC được điều trị thành công. Chúng tôi rất tự hào về tinh thần tận tụy, chịu thương, chịu khó của tất cả CBCS của BVDC Phước Lộc, đã góp phần vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy khắc nghiệt tại TP Hồ Chí Minh”.

Tại đây, 70% bệnh nhân điều trị tại BV cũng là người dân. Ban đầu các BS không nghĩ tình hình tiếp nhận bệnh nhân nặng tăng nhanh đến thế. Lúc đầu chỉ có 3 bác sĩ chuyên cho ICU, dự kiến sẽ triển khai 100 giường bệnh nhẹ, tuy nhiên chỉ sau 2 ngày hoạt động đã có 20 bệnh nhân nặng trong đó 2 trường hợp thở máy, 12 trường hợp thở HFNC, bệnh viện nâng tầng điều trị (lên tầng 3) một cách bất ngờ. Người bệnh lại đa số bệnh nhân nghèo, không tham gia bảo hiểm y tế, nên ngoài điều trị COVID -19 còn phải điều trị các bệnh đi kèm, cùng chăm sóc và nâng cao dinh dưỡng. Các thầy thuốc CAND lại kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nguồn thuốc và cả những suất ăn 0 đồng.

Tính tới đầu tháng 10/2021, trong tổng số 50 bệnh nhân nặng, có 15 bệnh nhân thở HFNC tại đây đã hồi phục rất tốt và từng bước chuyển sang thở oxy mask, oxy gọng. Có trường hợp nữ bệnh nhân (sinh năm 1972) mắc COVID-19 kèm di chứng tai biến mạch máu não, liệt nửa người phải can thiệp thở máy suốt 8 ngày. Cứu bệnh nhân là cực kỳ khó khăn. Sau khi các chỉ số hô hấp của bệnh nhân cải thiện tốt lên, các BS mạnh dạn mở khí quản để giúp bệnh nhân thở đồng thời có điều kiện chăm sóc vùng khoang miệng, phòng ngừa nhiễm khuẩn. Sau hơn 3 tuần điều trị chăm sóc sát sao, ngày 5/10, bệnh nhân đã đủ điều kiện ra viện rồi được chuyển tới BV Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh theo dõi hậu COVID -19. Đó là một trong nhiều ca bệnh nặng được cứu sống ngoạn mục tại nơi này.

Không sợ lây COVID-19, chỉ sợ “khuyết” tên mình trong guồng quay điều trị

BVDC trong điều kiện không được đầy đủ như BV chính qui, môi trường vô khuẩn khó đảm bảo vô trùng 100%, không phòng mổ nhưng các BS vẫn tiến hành mổ cấp cứu như bình thường. Trong hoàn cảnh phải chăm sóc nhiều bệnh nhân nặng nên họ làm việc với công suất hơn bình thường nhiều lần, để “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau”. Phía sau những thầy thuốc là bệnh nhân, đang từng giây phút đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào BS. Không được để bệnh nhân có cảm giác bị bỏ rơi, không được chăm bệnh. Khi họ nhìn thấy bóng áo trắng của BS là phải an tâm.

BS Nguyên Hoàng vào TP Hồ Chí Minh công tác nhẩm tính đã phải tạm rời xa vợ con đi chống dịch được 45 ngày. Nhưng anh nói, ngày làm việc thứ 36 với anh sẽ suốt đời không thể nào quên. Những bệnh nhân nào ra đi trong kíp trực ấy thậm chí anh còn nhớ từng cái tên, từng hoàn cảnh mắc bệnh.

Điều dưỡng Đào Duy Minh Tuấn chia sẻ, làm việc tại khu ICU, phải luôn sẵn sàng cho mọi việc cấp cứu. Chỉ cần nghe BS thông báo chuẩn bị vào ca nặng là đã phải chuẩn bị đồ đạc, thiết bị để cho mọi tình huống xảy ra. Các loại máy thở, thuốc an thần, thuốc vận mạch, dụng cụ, luôn tay, luôn chân. Vận dụng hết sức linh hoạt cứu bệnh nhân. Ép tim cho một bệnh nhân COVID-19 khi mang bộ bảo hộ kín mít, khó chịu vô cùng. Khi thao tác, hơi thở dồn dập làm mờ hết mắt sau lớp kính chắn giọt bắn. Cấp cứu xong thì mồ hôi đọng đầy trên trán, chảy xuống cay xè mắt. Chính vì vậy xong ca trực thì thường khát nước vô cùng. Cứ vào ca là phải uống thật nhiều nước để dưỡng sức.

Làm việc với tần suất cao, sau thời gian căng thẳng trong công việc, mọi người lại tự tập thể dục trong phòng, ăn uống đầy đủ. Tất cả chỉ mong cùng người dân TP Hồ Chí Minh chiến thắng dịch bệnh.

Các BS tại đây vào với TP Hồ Chí Minh đúng giai đoạn TP đang trải qua những tháng ngày khốc liệt nhất vì dịch COVID-19, nhiều  người tử vong quá nhanh. Chính ngay trong BVDC Phước Lộc có ngày cũng có vài ca  bệnh tử vong. Đau với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí những BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên dù không trực trong ca có  bệnh nhân tử vong cũng gọi điện hỏi thăm. Sự trăn trở trước sự ra đi của bệnh nhân lan toả trong cả BV. Đó là tình người, tình đồng bào trong nỗi đau mất mát. BS Hoàng nói: “Cái tình ấy nó nặng trĩu trong chúng tôi và sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời làm BS. Nó khiến chúng tôi càng phải cố gắng hơn nữa”.

Làm nhiệm vụ tại nơi nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nên đồng đội của họ cũng đã có người không may lây nhiễm COVID-19. Đó là nam BS N.C.Đ thuộc BV Y học cổ truyền - Bộ Công an trong đoàn công tác số 2 đi chi viện cho trại giam ở Đồng Nai. Nhưng cũng chính sự việc đồng đội mình bị lây nhiễm đã nhắc nhở anh em càng phải thực hiện tốt bảo hộ cho bản thân. Họ nói không sợ nhiễm COVID-19 mà chỉ sợ không may nhiễm thì vị trí làm việc bị khuyết, ảnh hưởng tới guồng máy điều trị cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Minh Tuấn cũng là Bí thư Chi đoàn 2 - BV 19-8, khi BV phát động đi chống dịch, anh đã xung phong dù lúc lên đường vợ anh đang chuẩn bị sinh con thứ 2. Trưa 1/10 anh cũng hay tin vợ mới sinh con gái thứ 2. Vợ chồng anh gọi bé với cái tên đáng yêu là bé Cà Phê. Bé đầu 4 tuổi có tên là “bé Kẹo”. Cả ê kíp hôm đó chúc mừng anh. Khi hạ sinh con gái, vì lo cho chồng đêm hôm trước phải trực mà vợ anh không gọi điện. Anh nói, việc này càng khiến anh nhớ mãi vì đã có một người vợ thật thông cảm với công việc của chồng. Giúp anh có được niềm hạnh phúc với nghề đó là lúc người dân TP cần tới y, BS nhất, mình đã có mặt…

Họ đã nói thay lời cho hàng trăm ngàn y, BS thuộc lực lượng tuyến đầu trên cả nước đã nỗ lực kiên cường, giữ vững thành trì cuối cùng để giảm số ca tử vong tới mức thấp nhất cho bệnh nhân COVID-19 với một ao ước, mong sao sau tất cả những cuộc chia ly của bệnh nhân với gia đình khi phải vào BV chữa trị COVID-19 là nụ cười an lành khỏi bệnh, trở lại sum họp bên gia đình và một thành phố đang dần trở lại bình an.