Bệnh lao là một trong những bệnh nhiễm trùng mạn tính xuất hiện sớm nhất ở loài người. Ở thế kỷ 18, bệnh lao đã hoành hành ở Châu âu, Châu Mỹ và trở thành bệnh dịch nguy hiểm gây chết nhiều người nhất . Ngày nay dưới tác động của đại dịch HIV/AIDS mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao mới và có khoảng 1,6 triệu người chết vì bệnh lao. Ngày 24/03 năm 1882, nhà bác học người Đức Robert Kock đã công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh lao là trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis). 100 năm sau Tổ chức y tế thế giới, Hiệp hội Bài lao và bệnh phổi quốc tế lấy ngày này là Ngày chống Lao thế giới kêu gọi sự quan tâm của nhân loại đối với căn bệnh nguy hiểm này.

         

Ngày Thế giới chống lao 24/03 là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, là dịp để chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi quốc gia và toàn cầu.

         Việt nam là quốc gia được thế giới đánh giá hiệu quả trong phòng, chống bệnh lao nhưng hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao đa kháng thuốc. Theo báo cáo mỗi năm nước ta vẫn còn 120.000 người mắc lao mới và có 12.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm gấp 1,5 lần số người chết vì tai nạn giao thông, đồng thời còn 19% người mắc bệnh lao chưa được phát hiện, việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng và có tính quyết định đối với bệnh lao. Ngành y tế và các cơ quan chức năng cần làm thay đổi và chuyển biến được nhận thức của cộng đồng về bệnh lao là bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, không chỉ có sự quan tâm chăm sóc của cán bộ y tế mà còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cả cộng đồng.

         Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là “ Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”, mục tiêu cụ thể là vào năm 2030, với dân số 100 triệu người thì cả nước chỉ còn 1000 người mắc lao mỗi năm.

 Ngày 22/03, Ban Giám đốc bệnh viện 30-4, phòng Kế Hoạch tổng hợp, phòng Chính trị phối hợp với khoa lao và bệnh phổi đã có chương trình thăm hỏi, động viên, tặng 04 xuất quà với trị giá 500.000 đồng/xuất cho bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại khoa lao và bệnh phổi bệnh viện 30-4.

         

 Đại tá, Ths Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Giám Đốc bệnh viện 30-4 ân cần thăm hỏi, động viên bệnh nhân Lao đang điều trị tại khoa lao và bệnh phổi và yêu cầu bệnh nhân nên phối hợp tốt với nhân viên y tế để được chăm sóc, điều trị đúng phác đồ, nâng cao hiệu quả để bệnh nhân sớm khỏi bệnh và tái hòa nhập với cộng đồng. Cũng trong khuôn khổ chương trình này Phó Giám Đốc cũng yêu cầu lãnh đạo và nhân viên khoa lao, bệnh phổi cần có kế hoạch chi tiết để tiếp tục đạt được những kết quả cao trong phòng, chống bệnh lao.