Bệnh viện duy nhất của Thành phố mang tên Bác được đặt tên theo ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là Bệnh viện 30-4 thuộc Bộ Công An.

Bệnh viện 30-4 được tọa lạc ngay tại quận 5, TPHCM. Bệnh viện 30-4 là bệnh viện hạng I, với quy mô hơn 500 giường bệnh, 33 khoa, phòng, trung tâm và đặc biệt là khuôn viên rợp bóng cây xanh, điểm tựa vững chắc trong chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ ngành công an và nhân dân miền Nam.

Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, hào hùng của dân tộc kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), chúng tôi có dịp đến thăm, trao đổi cùng Ban giám đốc và các cán bộ chiến sĩ của Bệnh viện 30-4.

Luôn phát huy truyền thống của các “Bác sĩ 2 màu áo”

Theo Đại tá - Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng - Giám đốc Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 30-4 tiền thân là Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào ngày 6/8/1962. Thời điểm ấy, tập thể y, bác sĩ của Bệnh xá là các “bác sĩ 2 màu áo”, vừa thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ căn cứ và thương bệnh binh, góp phần vào chiến thắng, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Đại tá - Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc bệnh viện 30-4 Bộ Công An. Ảnh: Phan Đức

Sau ngày 30/4/1975, Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia của chính quyền Sài Gòn, đổi tên là Bệnh viện An ninh nhân dân, rồi là Bệnh viện Công an nhân dân. Sau nhiều lần đổi tên thì đến ngày 29/3/1977, Bệnh viện chính thức được Bộ Công an ra Quyết định lấy tên Bệnh viện 30-4.

Đại tá - Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện 30-4, chia sẻ: Để có được diện mạo, cơ ngơi, uy tín, thương hiệu như ngày hôm nay là công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, thầy thuốc bệnh viện qua các thời kỳ, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Công An, Bộ Y tế... Tập thể cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng viên, công nhân viên của bệnh viện luôn tự hào khi được làm việc ở Bệnh viện mang tên ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt quá trình hoạt động, Bệnh viện 30-4 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao, đảm bảo tốt công tác khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra sai sót.

Công tác khám bệnh, chữa bệnh đã đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ công an và nhân dân. Hàng năm, Bệnh viện 30-4 đã khám bệnh cho hàng triệu lượt người, thu dung điều trị nội trú cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình liên kết hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện lớn đầu ngành, Bệnh viện 30-4 đã thực hiện thành công nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị hiện đại.

Các bác sĩ Bệnh viện 30-4 phẫu thuật thành công nội soi cắt u nang lớn ở lách cho bệnh nhân.

Theo Đại tá - Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng, Bệnh viện 30-4 đã thực hiện thành công kỹ thuật "Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn theo đường dẫn truyền sinh lý bó HIS". Đây là kỹ thuật mới trong điều trị tim mạch ở Việt Nam. Đồng thời, bệnh viện cũng đã chuyển giao và triển khai thành công kỹ thuật lọc máu liên tục ngoài cơ thể (CRRT)...

Hiện nay, Bệnh viện 30-4 là 1 trong 7 đơn vị tại TP.HCM triển khai chụp mạch và can thiệp tim mạch...

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, phòng xét nghiệm sinh học phân tử của Bệnh viện 30-4 cũng là đơn vị phát hiện 3 ca nhiễm Omicron đầu tiên tại TPHCM...

Trong năm 2022, Bệnh viện 30-4 đã chủ động triển khai một số kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào công tác khám bệnh chữa bệnh đem lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí như: Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị hoành bằng đặt lưới trong phúc mạc; nội soi cắt bướu tiền liệt tuyến bằng Laser; nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống soi mềm; Đo thể tích hồi hải mã trong đánh giá bệnh nhân sa sút trí tuệ; kiểm soát cuống gan Glisson theo Takasaki trong phẫu thuật cắt gan; Can thiệp mạch vành, siêu âm trong lòng mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời, đặt máy tạo nhịp cấp cứu, đặt máy phá rung trong buồng tim...

Đại tá Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc bệnh viện 30-4 cùng các y, bác sĩ thăm, chúc mừng một sản phụ sinh em bé tại bệnh viện.

Đại tá - Bác sĩ Dương Thị Thu Hằng cũng cho biết, ngoài hoạt động chuyên môn, Bệnh viện 30-4 cũng thường xuyên thực hiện sinh hoạt chính trị “về nguồn” để bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao to lớn và biết ơn sự hy sinh của cha ông ta, của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

“Căng mình” trong cuộc chiến chống Covid-19

Thượng tá Đặng Thùy Dương, Phó trưởng phòng Chính trị, Bệnh viện 30-4, cho biết khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 năm 2021, Bệnh viện 30-4 là bệnh viện đầu tiên tiếp nhận điều trị Covid-19 cho cán bộ chiến sĩ CAND và cả phạm nhân. Trước tình thế dịch bệnh phức tạp với số ca nhiễm ngày càng gia tăng, lực lượng cán bộ chiến sĩ Bệnh viện 30-4 phải căng mình, làm việc ngày đêm để lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc cho cho gần 3.600 cán bộ và can phạm tại Trại giam Chí Hòa. Đồng thời, tăng cường tiếp nhận, điều trị cho 2.000 bệnh nhân là can, phạm nhân nhiễm Covid-19 tại T30.

Đại tá - Bác sĩ Tiền Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện 30-4, từng làm Trưởng đoàn tại T30 cho biết, khi nhận được quyết định, lúc 14 giờ ngày 29/6/2021, đoàn gồm 30 y bác sĩ đã xuất phát ngay để thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị cho bệnh nhân. T30 đóng quân trên địa bàn huyện Củ Chi xa khu dân cư, thực hiện nhiệm vụ đột xuất nên các nhu yếu phẩm thiết yếu và lương thực, thực phẩm sử dụng hàng ngày rất hạn chế. “Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến đã khó thì chăm sóc bệnh nhân là can, phạm nhân còn khó khăn, vất vả bội phần. Nhiều phạm nhân do có mặc cảm, tự ti, không hợp tác với thầy thuốc và đôi khi có những phản ứng khó lường trước được. Tuy nhiên, trước các tình huống này chúng tôi không chùn bước mà ngược lại hết lòng chăm sóc bệnh nhân, không xem người bệnh là phạm nhân mà đơn thuần là một người bệnh đang cần được chăm sóc sức khỏe nên chúng tôi vừa điều trị bệnh lý vừa điều trị tâm lý cho phạm nhân với phương châm lương y như từ mẫu”- Đại tá - Bác sĩ Tiền Thanh Liêm chia sẻ.

Theo Thượng tá - Bác sĩ Nguyễn Trung Cang - Phó Giám đốc Bệnh viện 30-4, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Bệnh viện 30-4 đã huy động toàn bộ lực lượng 100% cán bộ chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không chỉ đảm bảo công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện mà còn tiếp sức cho T30 cũng như đồng hành cùng chính quyền, người dân thành phố trong suốt thời gian Covid-19 hoành hành ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Với những thành tích trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tập thể Bệnh viện 30-4 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì năm 2021.

Bệnh viện 30-4 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2001) cùng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997), Huân chương Chiến công hạng Nhì (1985, 2021), Huân chương Quân công hạng Nhì (2012), Huân chương Quân công hạng Ba (1990), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2017), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ (2012); Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Công an, Bộ Y tế tặng danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện (2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012); 2 bác sĩ được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 22 bác sĩ được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú...

Báo Khoa học phổ thông