Tin vào lời quảng cáo bài thuốc gia truyền của “thần y” rởm trên mạng, bệnh nhân nữ suýt tử vong được y bác sĩ Bệnh viện 30-4 Bộ Công an kịp thời cứu sống trong gang tấc.

Ngày 1/8 vừa qua, Bệnh viện kịp thời cứu sống Bệnh nhân V.T.C (65 tuổi, ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, vàng da, vàng mắt, đau bụng dữ dội.

Theo người nhà cho biết, bà C trước đó đi khám bệnh được chẩn đoán bị sỏi mật, mỡ máu. Tuy nhiên, bà C không uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà lên tự lên mạng internet tìm bài thuốc nam “gia truyền” rồi tự mua về uống.

Theo giới thiệu, bài thuốc nam “gia truyền” này có thể điều trị được bệnh của bà chỉ trong vài liệu trình uống, nên bà C đã làm theo. Tuy nhiên, sau khi uống, bà C cảm thấy cơ thể mệt nhiều hơn, xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt và thường xuyên đau bụng dữ dội. Đến khi bị nặng quá thì được người nhà đưa đến Bệnh viện 30-4 để cấp cứu.

Tại đây, Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm máu, siêu âm, X-quang, CT-Scan). Kết quả ghi nhận, bà C bị suy gan nặng nghi do tác dụng của thuốc; men gan tăng gấp 45 lần so với mức bình thường; u cơ tuyến túi mật, huyết áp tăng cao, rối loạn đông máu, trào ngược dạ dày – thực quả, protein niệu (tiểu đạm) dai dẳng.

Với kết quả trên, Thiếu tá BS.CKI Trần Thanh Duy, Phó Khoa Nội tiêu hóa – Máu - Nội tiết nhận định bệnh nhân C đang đứng bên bờ vực sinh tử, với tỉ lệ tử vong lên đến 90%.

Từ kết quả thăm khám, kết quả cận lâm sàng, cùng lời người nhà, các bác sĩ đã hội chẩn chuyên môn và đưa ra kết luận nguyên nhân gây ra suy gan do người bệnh sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong dài ngày.

Suy gan cấp (Acute liver failure – ALF) là tình trạng rối loạn chức năng gan nghiêm trọng, với nguyên nhân hàng đầu là do thuốc, đặc biệt là các loại dược liệu hay thuốc dân gian chưa được chứng minh lợi ích thực sự. Mặc dù y học hiện đại đã có nhiều biện pháp điều trị tích cực như lọc máu, thay huyết tương (TPE), tuy nhiên tỉ lệ tử vong theo y văn vẫn rất cao, khoảng 50-90%, đặc biệt với nhóm nguyên nhân suy gan cấp do thuốc.

Có thể là hình ảnh về 3 người và bệnh viện

Thiếu tá BS.CKI Trần Thanh Duy thăm khám cho bệnh nhân

Ngay lập tức, người bệnh được Ekip bác sĩ khoa Nội tiêu hóa – Máu - Nội tiết sử dụng phương pháp tiếp cận điều trị đa phương thức (sử dụng thuốc hạ men gan, truyền thuốc tích cực,…). Đồng thời tiếp tục tầm soát thêm các nguyên nhân khác. Lúc này phát hiện, trong ống mật chủ bệnh nhân có viên sỏi cỡ lớn bị kẹt, khiến tình trạng suy gan cấp vốn dĩ đã trầm trọng, nay càng trầm trọng hơn.

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'Viên sỏi được gắp ra ER'

Viên sỏi cỡ lớn kẹt trong ống mật chủ được gắp ra

Ngay sau đó, ekip bác sĩ khoa đã thực hiện nội soi tụy mật ngược dòng (ERCP), cắt cơ vòng oddi, đặt ống dẫn lưu, nong ống mật chủ để lấy sỏi… sau 2 giờ đồng hồ tập trung thực hiện, viên sỏi cỡ lớn đã được lấy ra thành công. Giúp bệnh nhận thoát khỏi nguy cơ bị bị tắc ống mật chủ lâu ngày có thể gây ra các biến chứng khôn lường như xuất huyết, suy đa tạng, viêm - xơ gan, tắc mật, ung thư đường mật, nhiễm trùng ổ bụng,…

Sau 1 tuần tích cực điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã có tiến triển ngoạn mục, vượt qua được giai đoạn nguy hiểm và xuất viện với tất cả chỉ số cơ thể gần như bình thường.

Bệnh nhân V.T.C chụp ảnh lưu niệm cùng ekip bác sĩ đã chăm sóc điều trị cho mình trước khi xuất viện (ekip gồm Thiếu tá BS.CKI Trần Thanh Duy (trong cùng, bên trái), BS Lê Thị Kiều Diễm, BS. Lê Trịnh Hoàng Hiệp, Trung tá, BS Lư Phước Hòa (vắng mặt)).

Thiếu tá BS.CKI Trần Thanh Duy khuyến cáo: Khi sức khỏe có vấn đề, người bệnh không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào chưa được công nhận là thuốc điều trị, vì ngoài những thành phần có tác dụng tốt còn có thể có thêm những hóa chất hay chất độc khác trong các loại thuốc dân gian truyền miệng mà ta không thể biết được, hoặc trong quá trình sản xuất, bảo quản có thể nhiễm thêm một số loại nấm, vi khuẩn độc gây ra suy gan cấp rất nguy hiểm. Nếu đã lỡ sử dụng các loại thuốc trên, khi gặp các triệu chứng như vàng da, lơ mơ, đau bụng, mệt mỏi... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phan Đức