Sáng 24/9/2023, tại Bệnh viện 30-4, Bộ công an đã diễn ra Hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị Sa sút trí tuệ”. Hội thảo được tổ chức hàng năm vào ngày Alzheimer Thế giới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc cho những bệnh nhân sa sút trí tuệ (SSTT) cũng như tạo cơ hội để các bác sĩ, chuyên gia gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm.

Đại  tá Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện 30-4 phát biểu tại Hội thảo

       PGS.TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam và Đại tá Dương Thị Thu Hằng, Giám đốc Bệnh viện 30-4, đồng chủ toạ hội thảo. Đại tá Dương Thị Thu Hằng phát biểu khai mạc hội thảo đã nhấn mạnh: Căn bệnh Alzheimer và SSTT đã và đang có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của con người, cũng như tạo gánh nặng cho mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, cứ 3 giây lại có một người được chẩn đoán SSTT. Hiện có hơn 50 triệu người mắc SSTT, trong đó khoảng 60 % là người bị Azheimer. Con số này được dự kiến lên 82 triệu người vào năm 2030 và 152 triệu người vào năm 2050.

PGS.TS Vũ Anh Nhị- Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong điều trị, chẩn đoán bệnh Alzheimer.

        Trong bài phát biểu chào mừng tháng Alzheimer Thế giới, PGS.TS.BS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam chia sẻ: bệnh SSTT gây ra tình trạng suy giảm năng lực trí nhớ, suy giảm khả năng suy luận đến mức bệnh nhân còn sức khỏe nhưng trí tuệ không còn làm việc. Bệnh xảy ra ở những người trên 65 tuổi nhưng có thể xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn. Như vậy nếu một gia đình có một người bị bệnh Alzheimer thì cả gia đình tập trung lo lắng và chăm sóc rất vất vả. Tại hội thảo, Bác sĩ Ingo Kilimann, là chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu và điều trị thoái hóa thần kinh (DZNE), trường Đại học Y Rostock – CHLB Đức (là đơn vị hợp tác với Bệnh viện 30-4) đã báo cáo tóm tắt quá trình hình thành, phát triển và các hoạt động của dự án TEEM, TEEM-plus tại Đơn vị Trí nhớ và SSTT Bệnh viện 30-4. BS Ingo tự hào với những thành tựu đạt được từ các dự án này đã đóng góp những thông tin có giá trị khoa học tại Hội nghị Alzheimer Thế giới năm 2022.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

       Từ các nghiên cứu của Đơn vị Trí nhớ và SSTT, BSCKII Đỗ Thanh Liêm đã báo cáo đề tài “Kết quả test đánh giá chức năng nhận thức VnCA người cao tuổi tại Đon vị Trí nhớ và SSTT, Bệnh viện 30-4”, và ghi nhận: (1) Tuổi càng cao thì điểm MMSE càng giàm; (2) có mối liên quan giữa tuổi và việc thực hiện các test chuyên biệt. Tác giả khẳng định: “Test MMSE có giá trị tầm soát để phát hiện MCI và sa sút trí tuệ, giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả”. PGS TS BS Trần Công Thắng, Phó Trường khoa Y, Đại học Y dược TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Alzheimer Việt Nam, cố vấn chuyên môn Đơn vị Trí nhớ và SSTT Bệnh viện 30-4, đã hệ thống hóa, cập nhật những phương pháp chẩn đoán, điều trị SSTT và thông tin thêm những nghiên cứu mới “tạo thêm luồng ánh sáng cho việc chăm sóc, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân SSTT trong tương lai”

BS CKII Trần Thị Thu Hương –Trưởng khoa Tâm thần kinh và là Trưởng Đơn vị Trí nhớ và SSTT của Bệnh viện 30-4 đã nhấn mạnh, để việc điều trị cho bệnh nhân có hiệu quả, giảm thiểu số người mắc bệnh Alzheimer đang gia tăng, không chỉ gia đình, mà cả cộng đồng cần đồng hành, giúp đỡ người bệnh.“Tôi, chúng ta và các bạn, hãy luôn đồng hành, yêu thương và yêu thương thật nhiều để bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc và thật nhiều hạnh phúc”. Đó là thông điệp mà BS CK II Trần Thị Thu Hương đã gửi gắm tại Hội thảo.