Ngày 31/7 vừa qua, Bệnh viện 30-4 tiến hành nội soi phế quản bằng ống mềm, gắp thành công mẩu xương cá kẹt trong đường thở người đàn ông 52 tuổi.
Trước đó, ngày 27/7, ông D.H.Đ (1971, ngụ tỉnh Kiên Giang) được chuyển đến Bệnh viện 30-4 điều trị trong tình trạng, ho nhiều, thở khò khè, khạc đàm mủ. Được biết, cách đây 6 tháng, ông Đ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng trên mà không rõ nguyên nhân. Ông đã đi khám tại cơ sở y tế địa phương, được xác định có dị vật trong đường thở. Tại đây, ông đã trải qua 2 lần nội soi để lấy dị vật ra nhưng…. không thành công. Sau đó, ông được chuyển tuyến đến Bệnh viện 30-4 để tiếp tục điều trị.
Tại Bệnh viện 30-4, từ kết quả chụp CT, các bác sĩ khoa Lao - Bệnh phổi - Da liễu xác định tại phế quản thùy dưới, phổi trái của Bệnh nhân Đ có dị vật cỡ lớn. Vị trí dị vật có nguy cơ gây tổn thương lên động mạch phổi trái rất cao, gây ho ra máu lượng lớn, có thể phải mở lồng ngực đề cầm máu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Dị vật cỡ lớn nằm trong phế quản bệnh nhân
Đây là trường hợp mắc dị vật phức tạp, có thể xảy ra nhiều tình huống không muốn khi tiến hành nội soi, gắp dị vật. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của ekip y bác sĩ, ca nội soi gắp dị vật đã diễn ra thành công tốt đẹp sau gần 20 phút thực hiện. Dị vật có kích thước 5cm x 2cm, được xác định là mẩu xương cá đã được gắp ra. Bệnh nhân Đ đã có thể thở dễ dàng, thoải mái hơn, không còn khò khè và ho nhiều như trước nữa.
Dị vật được xác định là mẩu xương cá, kích thước 5cm x 2cm đươc gắp ra từ phế quản bệnh nhân
Sau khi biết được danh tính dị vật khiến bản thân sống khổ sở trong suốt 6 tháng, ông Đ ông cảm thấy khá bất ngờ, ông cho biết hơn 1 năm trước, trong lúc ăn cơm do không để ý, ông đã nuốt phải xương cá. Ông nghĩ nuốt vào thì nó cũng xuống dạ dày nên không ông có để ý nữa. Cho đến 6 tháng trước, có nhiều triệu chứng lạ xuất hiện và dần trở nặng.
BS. Danh Xuân Nhiên – Trưởng khoa Lao-Bệnh phổi-Da Liễu cho biết: Dị vật đường thở rất nguy hiểm, nếu dị vật lớn có thể làm bít đường thở gây suy hô hấp, thậm chí tử vong. Nếu dị vật ở trong đường hô hấp lâu ngày, có thể gây nhiễm trùng nặng dẫn đến áp xe phổi, bệnh nhân có thể ho khạc ra mủ lẫn máu, sốt cao, suy hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Nhiên khuyến cáo: Khi ăn uống không nên ăn vội vàng, tránh cười đùa, nhất là trẻ nhỏ và người già, đặc biệt những bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não ăn uống dễ sặc, cần nhai kỹ, nuốt chậm để phòng ngừa dị vật rơi vào đường thở. Phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở.
Sau ăn, đột ngột có triệu chứng ho sặc sụa, thở khò khè, thở rít nhiều, khó thở, tím tái, đặc biệt là trẻ nhỏ cần nghĩ đến dị vật đường thở và phải nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về hô hấp để kịp thời khám và điều trị, tránh để lâu vì có thể gây ra biến chứng nguy hiểm xảy ra về sau.
Phan Đức
Tin khác đã đăng
- BỆNH SỞI VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH 30/08/2024
- Bản công bố cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành và Chương trình nội dung đào tạo thực hành lâm sàng tại BV 30-4 06/08/2024
- ĐOÀN CÔNG TÁC DO ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒ HẢI, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC THÀNH UỶ TP.HỒ CHÍ MINH ĐẾN THĂM HỎI CÁN BỘ CHIẾN SĨ, Y BÁC SĨ BỆNH VIỆN 30-4, BỘ CÔNG AN 24/07/2024
- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN 23/07/2024
- Kính tiễn biệt bác 23/07/2024