Trong chương trình hợp tác giữa Bệnh viện 30-4 – Bộ Công an, Việt Nam và Bệnh viện CIMEQ – Bộ Nội vụ, Cu Ba, kỹ thuật ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP - Platelet Rich Plasma) là một trong những kỹ thuật được chuyển giao cho các Bác sĩ Bệnh viện 30-4, để điều trị một số bệnh lý, như: thoái hóa khớp gối, tổn thương viêm cấp và mạn tính, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc da và điều trị rụng tóc. 
 
Trung tá Karel Duran Marrero, bác sĩ chuyên khoa II về Da liễu của Bệnh viện CIMEQ-Cuba khám cho bệnh nhân trị bệnh về da bằng PRP
    Ngày 8/9, ngày đầu tiên khi các chuyên gia bắt đầu thực hiện việc chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng PRP chăm sóc da từ thăm khám, xét nghiệm, lấy máu, ly tâm, tách chiết huyết tương cho đến khi ứng dụng các kỹ thuật lăn kim trên da, tiêm nội khớp, chăm sóc vết thương,…danh sách khách hàng đăng ký đã liên tục gia tăng, 
        Những khách hàng xin làm đẹp bằng PRP ngay sau khi có thông báo 
       9 giờ sáng ngày 8/9, tại khoa Da liễu của Bệnh viện 30-4, Trung tá Karel Duran Marrero, bác sĩ chuyên khoa II về Da liễu của Bệnh viện CIMEQ-Cuba đã hướng dẫn các bác sĩ chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện 30-4 xử trí 1 ca bệnh bị lão hoá da kèm tăng sắc tố bằng kỹ thuật PRP.
       Bệnh nhân là chị H.V.H.N (43 tuổi, ngụ tại TP HCM) đã có tình trạng nám da, tăng sắc tố từ cách đây 10 năm. 
     
Lấy máu bệnh nhân điều trị bằng dụng cụ chuyên dụng
 
 
       Sau khi được nhập viện kiểm tra tổng quát sức khoẻ, bệnh nhân được đưa vào lấy máu. Sau đó bệnh nhân được thực hiện ủ tê trên toàn bộ vùng da mặt. Sau quay ly tâm và tách chiết,các chế phẩm huyết tương giàu tiểu cầu và nghèo tiểu cầu của bệnh nhân. Chị H.N đã được áp dụng phương pháp lăn kim để đưa huyết tương giàu tiểu cầu đã được hoạt hóa lên vùng da cần chăm sóc.
       

Trung tá Karel Duran Marrero cùng ekip các bác sĩ Da liễu Bệnh viện 30-4 áp dụng PRP điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lão hoá da kèm tăng sắc tố.

       Bác sĩ Karel cho biết: “Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu được xem là một bước tiến mới trong ngành thẩm mỹ, giúp thúc đẩy quá trình phục hồi, kích thích sự tăng sinh của các tế bào da mới và trẻ hoá làn da nhanh chóng, an toàn”. 
Cũng theo bác sĩ Lý Mộng Thu, khoa Da liễu của Bệnh viện 30-4, huyết tương giàu tiểu cầu, hay phương pháp trẻ hóa da bằng PRP– cấy máu tự thân vào cơ thể có tác dụng thúc đẩy quá trình hình thành mạch máu mới, kích thích sản sinh collagen, nguyên bào sợi. PRP có tác dụng giúp phục hồi tổn thương, chống lão hóa và cải thiện cho làn da. Trong chuyên khoa Thẩm mỹ, PRP được ứng dụng để điều trị sẹo lõm (do trứng cá hoặc các nguyên nhân khác như thuỷ đậu, chấn thương…), xoá nhăn, trẻ hoá da, rạn da. Sau khi được áp dụng PRP chữa trị, cơ thể sẽ tái tạo, sản sinh những tế bào da mới và phục hồi vết thương nhanh chóng và an toàn cho làn da.
       Tuy nhiên bác sĩ Lý Mộng Thu cũng lưu ý sử dụng PRP có một số chống chỉ định tuyệt đối, như: người bệnh đang điều trị ung thư, các bệnh lý viêm nhiễm đang tiến triển, mắc bệnh mạn tính như bại não, Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp nặng. Các chỉ định tương đối như: Người nhiễm Herpes simplex, trứng cá đang hoạt động, người bệnh đang dùng các thuốc chống đông như: Wafarin, Heparin…đang dùng Aspirin, hay bị dị ứng thuốc tê tại chỗ, người bệnh tiểu đường, người có cơ địa sẹo lồi hoặc sẹo phì đại. Do vậy khi có nhu cầu đi làm đẹp bằng phương pháp này nhất thiết phải đến các Bệnh viện Chuyên khoa nơi có các bác sĩ Da liễu được đào tạo bài bản chuyên môn để việc làm đẹp được an toàn. 
         
     Dùng PRP giúp cụ bà U 80 thoái hoá khớp nặng không phải mổ
         Khoảng 11 h trưa cùng ngày, tại khoa Chấn thương Chỉnh hình, cụ bà Nguyễn Thị N. (72 tuổi, ngụ tại Hải Phòng) được đưa vào điều trị thoái hoá khớp bằng giải pháp PRP.

Tình trạng thoái hoá khớp gối nặng trên bệnh nhân Nguyễn Thị N. (72 tuổi) khi nhập viện.

        Bác sĩ CKI Đỗ Bình An-Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện 30-4 cho biết: “Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện trong tình trạng hai đầu gối đã “sưng phồng”, gối bên trái sưng to khiến cụ không thể duỗi thẳng chân được. Bệnh nhân đã mắc bệnh thoái hoá khớp 15 năm, đi điều trị nhiều nơi nhưng không hết. Các trường hợp nặng như trên thường có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, khoa quyết định áp dụng PRP chữa trị cho bệnh nhân”.

Tiêm thuốc tê cho bệnh nhân trước khi thực hiện tiêm PRP điều trị thoái hoá khớp gối.

        Bác sĩ Bình An cũng cho biết, PRP được ứng dụng nhiều trong các trường hợp phẫu thuật răng miệng; phẫu thuật hàm mặt; phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình; điều trị loét da và phần mềm mạn tính trong bệnh đái tháo đường. Trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình – Y học thể thao, PRP được dùng điều trị viêm gân và các điểm bám tận như viêm lồi cầu ngoài- lồi cầu trong xương cánh tay, viêm lồi củ xương chầy, viêm gân gan chân, viêm gân gót, bệnh lý rách gân cơ chóp xoay, tổn thương dây chằng chéo khớp gối; kích thích sự lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương trong phẫu thuật… 
       
      Riêng trong trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, PRP đã được nghiên cứu sử dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh lý có tổn thương sụn khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng cho kết quả khả quan và rất ít tác dụng phụ. PRP thúc đẩy nhanh quá trình lành vết thương, rút ngắn thời gian điều trị bệnh, giảm nhiễm trùng sau phẫu thuật và giảm đau, đỡ mất máu.
Theo đó, quy trình sẽ tiêm mỗi đợt 3 mũi, cách nhau 1 - 4 tuần/ 1 mũi. Tùy từng bệnh lý mà đáp ứng, có thể tiêm nhắc lại sau sau 6 – 12 tháng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị N. được kiểm tra chức năng gối sau khi tiêm PRP, hoàn toàn tỉnh táo và rất phấn khởi.